Đức Thượng phụ Pizzaballa: Vấn đề lớn là thiếu tin tưởng nhau

Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa | lpj.org

Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa của Công giáo Latinh Jerusalem, cho biết vấn đề chính trong tình trạng hiện nay giữa Israel và Palestine là hai bên thiếu tin tưởng nhau.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Đức Thượng phụ Pizzaballa, người Ý, thuộc dòng Phanxicô, hoạt động từ 30 năm nay tại Thánh địa, và từ tháng Chín vừa qua, được Đức Thánh cha bổ nhiệm làm Thượng phụ Công giáo Latinh ở Jerusalem, sau bốn năm làm Giám quản Tông tòa tại đây.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Đức KNA, truyền đi ngày 27/11/2020 vừa qua, ngài cho biết sự sắp thay đổi tổng thống tại Mỹ không ảnh hưởng trực tiếp đến Giáo hội tại Thánh địa: “Điều mà người ta có thể nói là “sự thay đổi quân bình chính trị tại Trung Đông, với sự xích lại gần giữa một vài nước Arập với Israel, là điều vẫn còn quá sớm, chưa thể bình luận được, và ông Joe Biden chưa nhậm chức tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, đối với người Palestine thì có sự thay đổi, họ bị cô lập nhiều hơn, nhưng tình trạng này không phải là điều mới mẻ. Vấn đề chính của chúng tôi tại đây là sự thiếu tín nhiệm nhau. Người Israel và Palestine không tin tưởng nhau, và người Palestine, một cách nào đó cũng không tin tưởng nơi cộng đồng quốc tế. Để tái lập sự tín nhiệm, những lời nói cũng quan trọng, nhưng những cử chỉ càng quan trọng hơn, tiếc là điều này hiện nay tôi không thấy có”.

Đức Thượng phụ Pizzaballa cũng cho biết cuộc thương thuyết giữa Tòa Thánh và Israel về các vấn đề còn tồn đọng giữa hai bên, sau khi ký hiệp định cơ bản năm 1993 và thiết lập quan hệ ngoại giao, đã thất bại từ 30 năm nay. Cần có một con đường để đi ra khỏi tình trạng bế tắc này, nhưng hiện thời rất khó tìm được.

Tình hình Giáo hội tại Thánh địa

Về tình hình dân chúng và Giáo hội tại Thánh địa trong năm 2020 này, Đức Thượng phụ Pizzaballa nói: “Đây là một điều hết sức đau thương, vì đại dịch Covid-19. Ngành du lịch và đón tiếp khách hành hương, vốn là một thực tại căn tính của Giáo hội ở Thánh địa đã bị ngưng lại. Những hậu quả kinh tế thực là bi thảm. Hàng ngàn gia đình, đặc biệt ở vùng Bethlehem không có lợi tức để sống. Các trường học của chúng tôi, vốn là những yếu tố mạnh ở đây, cũng bị thương tổn trầm trọng. Trong tư cách là Giáo hội, chúng tôi cũng bị thiệt hại vì không thể cử hành Mùa chay và Phục sinh, như thói quen. Các buổi lễ cũng như các hoạt động khác bị giới hạn tối đa. Tình trạng bấp bênh này thật là đau thương, khiến cho việc đề ra kế hoạch không thể tiến hành được.”

Dầu sao, theo Đức Thượng phụ, trong bối cảnh tiêu cực ấy cũng có điều tích cực, ví dụ tinh thần sáng tạo của các linh mục tìm ra nhiều phương thế để tìm đến với các tín hữu và không để họ bị lẻ loi. Cả sự khao khát đời sống cộng đoàn, nhất là nơi giới trẻ cũng là điều đáng vui mừng.

Lễ Giáng sinh sắp tới tại Thánh địa có nguy cơ không được bình thường, vì vẫn còn có sự hỗn độn. Chắc chắn là có lễ Giáng sinh, nhưng có thể là chỉ được cử hành một cách thu hẹp.

(KNA 27-11-2020)

Add new comment

4 + 3 =