Bộ Phát triển họp về tình trạng Siria và Irak

Al-Zahraa località vicina ad Aleppo | AFP or licensors

Chiều thứ năm, 10/12/2020 này, Bộ Phát triển nhân bản toàn diện của Tòa Thánh tổ chức một phiên họp về tình trạng khủng hoảng nhân đạo tại Siria và Irak, với sự tham dự của khoảng 50 tổ chức bác ái Công giáo, các đại diện của hàng giám mục địa phương và các tổ chức Giáo hội, các dòng tu hoạt động tại hai quốc gia liên hệ cũng như tại các nước láng giềng.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Ngoài ra, các vị Sứ thần Tòa Thánh trong vùng cũng tham dự phiên họp bắt đầu lúc 4 giờ chiều và dưới dạng trực tuyến. Đức ông Segundo Tejado Munoz, Phó Tổng thư ký Bộ Phát triển nhân bản sẽ điều hợp phiên họp cùng với bà Moira Monacelli thuộc Caritas quóc tế.

Sau lời nguyện mở đầu với Đức ông Bruno Marie Duffé, Tổng thư ký của Bộ Phát triển, là phần bàn về tình hình chính trị ngoại giao của hai nước Siria và Irak, với các bài phát biểu của Đức Tổng giám mục ngoại trưởng Paul Richard Gallagher, Đức Hồng y Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Siria.

Phần thảo luận kế tiếp sẽ bàn về vai trò của Giáo hội tại Siria và Irak, với bài trình bày của Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương. Phiên họp được tiếp nối với cuộc trao đổi về tình trạng những người di dân và tị nạn. Trong số các tham dự viên phát biểu trong phần này, có ông Filippo Grandi, Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, cha Fabio Baggio, Phó Tổng thư ký Phân bộ di dân và tị nạn thuộc Bộ Phát triển nhân bản toàn diện.

Một phần khác của khóa họp sẽ đề cập đến hoạt động của các tổ chức Công giáo, tiến từ giai đoạn khẩn trương đến giai đoạn phát triển toàn diện. Trong phần này sẽ có sự lên tiếng của Đức Hồng y Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, và ông Aloysius John, Tổng thư ký Caritas Quốc tế.

Thông cáo của Bộ Phát triển nhân bản toàn diện nhắc lại rằng cuộc xung đột tại Siria và Irak đã tạo nên một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất trong các thập niên gần đây. Tòa Thánh, ngoài các hoạt động ngoại giao cũng tham gia tích cực vào các chương trình cứu trợ và từ thiện. Các mạng của Giáo hội, từ năm 2014 đến nay đã dành hơn một tỷ Mỹ kim để giúp đỡ hơn bốn triệu người mỗi năm. Theo Liên Hiệp Quốc, hiện nay vẫn còn mười một triệu người cần được trợ giúp nhân đạo tại Siria, và nước này có hơn sáu triệu người tản cư nội địa. Tại Irak, có hơn bốn triệu người cần được trợ giúp nhân đạo và trên một triệu người di tản nội địa. Ngoài ra, cả những nước lân cận như Liban, Thổ Nhĩ Kỳ và Giordani cũng bị khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

(Rei 8-12-2020)

Add new comment

2 + 18 =