Bộ trưởng cực hữu của Israel viếng thăm Núi Đền Thờ

National Security Minister Itamar Ben Gvir, center, visits the Temple Mount in the Old City of Jerusalem, May 21, 2023. | Courtesy: Minhelet Har Habayit/ timesofisrael.com

Chúa nhật, ngày 21 tháng Năm vừa qua, Bộ trưởng thuộc phe cựu hữu trong chính phủ Israel hiện nay, ông Itamar Ben-Gvir, đã viếng thăm Núi Đền Thờ, là nơi thánh của người Hồi giáo và Do thái, để khẳng định quyền kiểm soát của ông tại nơi nhạy cảm này, vốn là trọng tâm sự tranh chấp giữa hai bên.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Tại đây có di tích Đền thờ Jerusalem và nay là Đền thờ Al Aqsa, nơi thánh thứ ba của Hồi giáo. Theo sự thỏa thuận giữa hai bên, người Do thái được phép viếng thăm nơi thánh này, nhưng không được phép cầu nguyện. Trong những năm gần đây, ngày càng có những người Do thái đến viếng thăm và bắt đầu âm thầm cầu nguyện, khiến người Palestine sợ rằng Israel âm mưu phân chia hoặc chiếm nơi thánh này. Từ lâu, ông Ben-Gvir vẫn kêu gọi gia tăng sự lui tới của người Do thái đến nơi thánh này.

Cuộc viếng thăm của ông Ben-Gvir, là Bộ trưởng Bộ Nội an trong chính phủ của Thủ tướng Netanyahu hiện nay, đã bị chính quyền Palestine và Giordani lên án. Ông vốn là một người lãnh đạo những người Do thái định cư trên lãnh thổ của Palestine ở miền Cisjordani, là người thuộc phe cực hữu, đã từng bị tòa kết án cách đây vài năm vì tội xách động và ủng hộ một nhóm Do thái khủng bố.

Trong một tuyên ngôn Video phổ biến trong cuộc viếng thăm vừa qua, ông nói: “Tôi vui mừng lên Núi Đền Thờ, là nơi quan trọng nhất đối với dân tộc Do thái”. Ông ca ngợi sự hiện diện của cảnh sát Israel tại nơi này, “chứng tỏ ai đang đặc trách thành Jerusalem”.

Ông Nabil Abu Rudeined, phát ngôn viên của Phủ Tổng thống Palestine, gọi cuộc viếng thăm của ông Ben-Gvir là “một cuộc tấn công trắng trợn” đối với Đền thờ. Còn chính phủ Giordani, là người gìn giữ Đền thờ, gọi hành động của Bộ trưởng Ben-Gvir là “một sự khiêu khích đáng bị lên án, và là một sự leo thang nguy hiểm không thể chấp nhận được”. Cả Ai Cập, vốn có hiệp định hòa bình với Israel cũng ra thông cáo lên án.

Người Palestine coi Đền thờ Hồi giáo trên Núi Đền Thờ là một biểu tượng quốc gia, và coi những cuộc viếng thăm như vừa nói là một sự khiêu khích. Phần lớn các Rabbi cấm người Do thái không được cầu nguyện tại địa điểm ấy, nhưng những năm gần đây, có một phong trào ngày càng bành trướng của những người Do thái ủng hộ việc cầu nguyện tại nơi thánh ấy.

(AP 20-5-2023)

Add new comment

1 + 0 =