Các giám mục Âu châu chống đề nghị của Tổng thống Pháp du nhập quyền phá thai

Photo: ©STEKLO_KRD - stock.adobe.com

Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu, gọi tắt là COMECE, chống lại đề nghị của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, du nhập quyền phá thai tại Liên hiệp này.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Tổng thống Macron đã đưa ra đề nghị này trước nghị viện Âu châu ở Strasbourg, hôm 19 tháng Giêng vừa qua, để cập nhập hiến chương Âu châu về các quyền căn bản của con người.

Trong thông cáo chung, công bố hôm 08 tháng Hai vừa qua, tại Bruxelles, thủ đô Vương quốc Bỉ, Ủy ban COMECE của các Giám mục Liên hiệp Âu châu bày tỏ lo âu sâu xa và chống lại đề nghị vừa nói của Tổng thống Pháp. Các vị khẳng định rằng ngay từ đầu công cuộc thống nhất Âu châu, Giáo hội Công giáo luôn ủng hộ tiến trình này: “Chúng tôi đồng ý với Tổng thống Macron về tầm quan trọng cần bảo vệ và thăng tiến các giá trị của Liên hiệp Âu châu. Nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng một trong các giá trị chính là tôn trọng phẩm giá của mỗi người trong mọi giai đoạn của cuộc sống, nhất là trong những tình trạng hoàn toàn dễ bị tổn thương, như trường hợp thai nhi”.

Các giám mục nhắc đến các vị sáng lập Liên hiệp Âu châu, họ dựa trên truyền thống nhân bản chân thực làm nên Âu châu như hiện nay. Họ rất ý thức về tầm quan trọng cơ bản của phẩm giá bất khả nhượng của con người và của cộng đoàn như một nền tảng chung của Liên hiệp Âu châu.

Các giám mục tuyên bố ý thức về tình trạng khó khăn của những phụ nữ đang toan tính phá thai, và sự quan tâm săn sóc này cũng thuộc về công tác phục vụ của Giáo hội: không thể bỏ rơi các phụ nữ gặp khó khăn khi thai nghén, và cũng không thể làm ngơ quyền của thai nhi chưa sinh ra. Cả hai đề phải được giúp đỡ cần thiết.

Ủy ban COMECE nhấn mạnh rằng xét về phương diện pháp lý, không có một quyền phá thai nào được nhìn nhận trong luật pháp của Âu châu hoặc quốc tế. Vì thế, toan tính thay đổi tình trạng này bằng cách du nhập quyền phá thai vào trong hiến chương về các quyền cơ bản của Liên hiệp Âu châu không những đi ngược niềm tin và các giá trị cơ bản của Âu châu, nhưng còn là một luật bất chính, thiếu nền tảng luân lý đạo đức và sẽ trở thành nguyên nhân trường kỳ gây xung đột giữa các công dân Âu châu.

(Vatican News 8-2-2022)

Add new comment

3 + 10 =