Các vị lãnh đạo Hồi giáo gắn bó với Văn kiện huynh đệ ký tại Abu Dhabi

Tuyên ngôn chung của Đức Thánh Cha và Đại Iman Đền Thờ Al Azhar | Vatican Media

22 vị lãnh đạo và nhà trí thức Hồi giáo Sunnit, Shiite và Sufi đã ký vào một văn kiện dài 15 trang bày tỏ sự ủng hộ và gắn bó với Tuyên ngôn về tình huynh đệ nhân loại đã được Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Iman Ahmad Al-Tayyeb của Đền thờ Al-Azhar bên Ai Cập ký kết tại Abu Dhabi cách đây 6 tháng.


G. Trần Đức Anh, O.P. - Roma

22 vị lãnh đạo và trí thức Hồi giáo vừa nói đã mô tả Tuyên ngôn về tình Huynh đệ nhân loại cho hòa bình thế giới và cuộc sống chung là một “điểm khởi hành” và là điểm không trở lui, là lời khẳng định đối thoại chính là con đường để sống chung trong hòa bình, nhìn nhận nhau.

Sáng kiến soạn Văn kiện ủng hộ

Sáng kiến soạn và ký Văn kiện dài 15 trang này do Iman Yahya Pallavicini, Chủ tịch Cộng đoàn Hồi giáo Italia, cùng với Học viện về Hồi giáo tại Pháp, và một nhóm nhỏ các vị lãnh đạo khác của Hồi giáo.

Đề cao Tuyên ngôn chung tại Abu Dhabi

Văn kiện này gọi Tuyên ngôn chung đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đại Iman Al-Tayyed ký kết ngày 05/02 năm nay tại Abu Dhabi là “một biến cố trở thành định chế chưa từng có trong quan hệ giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo, dấu chỉ một sự mở ra giai đoạn mới, nhắm nhìn nhận sự hợp pháp và khác biệt giữa các mạc khải, thần học, tôn giáo và các cộng đồng tôn giáo”.

Nhìn nhận vai trò của những khác biệt giữa Hồi giáo và Kitô

Các vị lãnh đạo và nhà trí thức Hồi giáo nhấn mạnh rằng với Tuyên ngôn chung ở Abu Dhabi, những khác biệt không còn được coi như một lời kêu gọi chinh phục hoặc chiêu dụ tín đồ, hay là một cái cớ để biện minh cho sự bao dung hời hợt, nhưng đúng hơn đó là một cơ hội để thực thi tình huynh đệ, vốn là một ơn gọi chứa đựng trong kế hoạch của Thiên Chúa khi sáng tạo. Vì thế, việc đối thoại, vốn đã được kinh Coran cổ võ, ngày nay càng trở thành điều quan trọng sinh tử.

Có sự chia rẽ trong thế giới Hồi giáo

Ông Pallavicini, Chủ tịch Cộng đoàn Hồi giáo Italia, nhìn nhận rằng việc ký kết Tuyên ngôn tại Abu Dhabi đã tạo nên một sự chia rẽ trong thế giới Hồi giáo, không thiếu những người phê bình sáng kiến này và một số vị lãnh đạo Hồi giáo quyết định không ký ủng hộ Tuyên ngôn, nhưng những ai ký kết, thì họ đón nhận lời mời gọi kiến tạo một tình huynh đệ nhân loại, vượt lên trên những ranh giới tôn giáo, chủ ý là cổ võ những sáng kiến ở bình diện địa phương dựa trên Tuyên ngôn chung ở Abu Dhabi, và cả trên bình diện nghiên cứu trí thức, tạo nên một mạng hỗ trợ cuộc đối thoại giữa Kitô và Hồi giáo (Rei 18-7-2019)

Add new comment

2 + 14 =