Công Giáo Bangladesh và người tị nạn Rohingya

Người tị nạn Rohingya ở Bangladesh | ANSA

Đức Cha Moses Costa, Tổng giám mục giáo phận Chittagong bên Bangladesh, cho biết cuộc khủng hoảng về người tị nạn Rohingya bị trục xuất khỏi Myanmar sang Bangladesh đang là một gánh nặng lớn cho dân nước này.


G. Trần Đức Anh, O.P. - Roma

Đức Tổng giám mục Moses Costa tuyên bố như trên với hãng tin Công Giáo Áo Kathpress nhân dịp ngài đến Vienne thủ đô Áo để thuyết trình theo lời mời của tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ”.

Sắc dân Rohingya

Người Rohingya là sắc dân thiểu số theo Hồi giáo tại bang Rakhine ở Myanmar. Chính phủ và người dân Myanmar coi người Rohingya là những người nhập cư bất hợp pháp. Hiện nay có khoảng nửa triệu người tị nạn Rohingya sống trong các trại ở Bangladesh láng giềng. Nhiều người không muốn trở về Myanmar vì tình trạng bất an tại đây. Phúc trình mới nhất của Liên Hiệp Quốc, công bố hôm 16/09/2019 vừa qua tại Genève, cho biết 600 ngàn người Rohingya còn lại ở Myanmar vẫn bị các lực lượng an ninh nước này xách nhiễu, bách hại và có nguy cơ bị diệt chủng.

Vấn đề nặng đối với Bangladesh

Theo Đức Tổng giám mục Costa, giáo phận Chittagong của ngài rộng bằng 1 phần 5 nước Bangladesh và tại đây có trại tị nạn Cox's Bazar là trại lớn nhất dành cho người Rohingya. Ngài nói: “Người Rohingya bị coi là những người vô tổ quốc, khi họ đến Bangladesh, họ không có gì cả. Khi một người ở trong tình cảnh khó khăn thì chúng tôi phải giúp đỡ, đó là điều hiển nhiên về mặt nhân đạo. Bangladesh đã lãnh nhận trách nhiệm của mình. Nhiều người tại đất nước chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ người tị nạn vì bản thân họ đã từng trải qua số phận ấy. Cả Caritas Công Giáo cũng thiết lập những nơi tạm trú và cung cấp lương thực cho người tị nạn”.

Đức Cha Costa cho biết hiện nay có nhiều người Rohingya ra khỏi trại tị nạn và định cư tại Bangladesh. Tuy nhiên, nạn phạm pháp nơi những người Rohingya cũng gia tăng đứng trước tình trạng không có viễn tượng tương lai của họ. Nhiều người làm nghề buôn bán ma túy. Nhiều người ra khỏi trại tị nạn và đến khu vực ở miền đông Chittagong để định cư, chiếm đất của dân bản xứ, và tình trạng này đặt dân chúng địa phương trong tình thế bị sức ép vì chính họ cũng là những người rất nghèo.

Kêu gọi giải quyết khủng hoảng trên bình diện quốc tế

Theo Đức Tổng giám mục giáo phận Chittagong, cuộc khủng hoảng về người Rohingya tại Myanmar cần được giải quyết trên bình diện quốc tế. Liên Hiệp Quốc cũng như các cường quốc chính trị và Liên Hiệp Âu Châu cần tích cực cộng tác để giải quyết vấn đề. Đức Cha nói: “Tôi không biết người ta sẽ giải quyết thế nào, nhưng một điều tôi biết, đó là đối với chúng tôi, tình trạng hiện nay là một ánh nặng lớn”. (KP 17-9-2019)

Add new comment

16 + 1 =