Caritas Đức giúp 50.000 Euro cho người tị nạn tại Karabakh

Regione del Nagorno Karabakh | AFP or licensors

Phân bộ quốc tế, thuộc Caritas Đức đã dành 50.000 Euro để trợ giúp các nạn nhân cuộc xung đột tại Nagorno Karabakh, ở miền Caucase.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Trong thông cáo hôm 13/10/2020 vừa qua, ông Oliver Mueller, trưởng phân bộ quốc tế thuộc Caritas Đức, cho biết ngân khoản trợ giúp cấp thời này được sử dụng để cung cấp lương thực, và quần áo ấm cho người tị nạn, đồng thời ông cũng nhận định rằng: “Những người bị thua thiệt trong chiến tranh này vẫn là những người phải bỏ quê hương đi lánh nạn”. Có hàng chục ngàn người Armeni từ miền Nagorno Karabakh, một khu vực nằm gọn trong lãnh thổ của Azerbaigian, đã chạy về Armeni. Hiện nay, có sự gia tăng lây nhiễm coronavirus nơi những người Armeni tị nạn. Trước khi xảy ra xung đột ngày 27/9 vừa qua, đại dịch Covid-19 tại Armeni ở trong tình trạng kiểm soát được, nay số người bị lây lại gia tăng.

Sau cùng, Caritas Đức cũng kêu gọi các phe lâm chiến tại Nagorno Karabakh tôn trọng thỏa hiệp ngưng bắn đã ký kết hôm 10/10 vừa qua tại Mascơva.

Tại Mascơva, thủ đô Liên bang Nga, hôm 13/10, Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga, cũng ra thông cáo kêu gọi hòa bình cho miền Nagorno Karabakh, trong khi chủ tịch cộng đoàn những người Hồi giáo ở miền Caucase lên tiếng chống lại người Armeni và biện minh cho cuộc chiến của người Hồi giáo Azerbaigian chống người Armeni “luôn luôn là một chiến tranh chính đáng vì bảo vệ quê hương”. Còn Đức Tổng Thượng phụ Karekin II, Giáo chủ Giáo hội Armeni Tông truyền, thì hỗ trợ sứ mạng của người Armeni phải bảo vệ tổ quốc.

Thông cáo của Đức Thượng phụ Kirill có đoạn viết: “Trong cơn lốc mới của một cuộc xung đột từ hơn 30 năm nay, các trung tâm dân cư bị dội bom làm chết người, các Đền thánh và đền đài của truyền thống văn hóa bị phá hủy, nhà cửa của những người yêu chuộng hòa bình bị tàn phá. Tòa Thượng phụ Chính thống Nga bày tỏ sự gần gũi, và cùng với các vị lãnh đạo tôn giáo của hai nước liên hệ nỗ lực tái lập hòa bình trong vùng”.

Đức Thượng phụ Kirill cũng ngỏ lời với Đức Tổng Thượng phụ Armeni và Sheik, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hồi giáo miền Caucase và nhắc lại hành trình dài đã cùng nhau tiến bước trong quá khứ, để cuộc xung đột hiện nay không trở thành một cuộc xung đột tôn giáo và để các vấn đề được giải quyết một cách ôn hòa. Đức Thượng phụ cũng kêu gọi tôn trọng hiệp định ngưng bắn hai bên đã thỏa thuận và ký kết với nhau ngày 10/10 vừa qua, tại Mascơva, qua trung gian của Nga”.

(KNA 13-10-2020; Asia News 14-10-2020)

Add new comment

4 + 7 =