Radio Veritas Asia Buick St., Fairview Park, Quezon City, Metro Manila. 1106 Philippines | + 632 9390011-15 | +6329390011-15
Chuyên gia Liên Hiệp Quốc chào mừng tuyên bố của Tòa Thánh liên quan tới “Đạo lý về khám phá”
Tường trình viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về các quyền của thổ dân, ông José Francisco Calí Tzay, chào mừng Văn kiện mới đây của Tòa Thánh bác bỏ “Đạo lý về sự khám phá”, đồng thời hy vọng các nước theo gương Tòa Thánh góp phần hòa giải giữa các thổ dân với các nước từng có thuộc địa.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Văn kiện vừa nói là thông cáo chung của Bộ Văn hóa và Giáo dục cùng với Bộ Phát triển nhân bản toàn diện của Tòa Thánh, công bố hôm 30 tháng Ba vừa qua tại Vatican, trong đó có khẳng định rằng đạo lý về sự khám phá là một lý thuyết về triết học, chính trị và pháp luật, theo đó những thực dân Âu châu có quyền truất hữu đất đai và tài sản của các thổ dân.
Hai Bộ nhấn mạnh rằng “Đạo lý về sự khám phá” không thuộc về giáo huấn của Giáo hội Công giáo. Các thế lực thuộc địa lèo lái văn kiện này và các sắc chỉ của các vị Giáo hoàng hồi thế kỷ XVI vào những mục tiêu chính trị, cạnh tranh giữa họ với nhau, để biện minh cho những hành động vô luân đối với các dân bản xứ, đôi khi được thực hiện mà không gặp sự chống đối của giáo quyền.
Ông Calí Tzay năm nay 62 tuổi, một luật sư người Guatemala, nói rằng: “Đạo lý về sự khám phá vẫn còn là một vết thương mở rộng đối với nhiều thổ dân trên thế giới. Cần phải giải quyết vấn đề này trong tiến trình hòa giải giữa các thổ dân và các nước thực dân trước đây”.
Ông cũng ca ngợi sự nhìn nhận của Tòa Thánh về những hậu quả tai hại của chủ nghĩa thực dân, gây ra cho các thổ dân bản xứ và ông chào mừng lời Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi từ bỏ não trạng thực dân, thăng tiến sự tôn trọng và đối thoại với nhau”.
Theo ông Calí Tzay, có những quốc gia còn tiếp tục dựa vào đạo lý này như thành phần trong luật pháp quốc gia, luật học tại nước của họ liên quan tới những vụ tranh chấp đất đai. Tình trạng này thuộc vào số các nguyên nhân gây ra chấn thương của các thổ dân qua các thế hệ, như người ta thấy rõ hiện thời qua tỷ lệ cao những vụ tự tử nơi giới trẻ thổ dân, tỷ lệ phạm pháp nhiều từ phía các thổ dân, nạn bạo hành nhiều phụ nữ và trẻ nữ cũng như nạn kỳ thị chủng tộc.
(new.un.org 10-4-2023)
Add new comment