Chuyện bên lề chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Phi châu

Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay từ Roma đến thủ đô Maputo của Mozambique | Vatican News

G. Trần Đức Anh, O.P. - Roma

Trong ngày đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô lên đường đến viếng thăm 3 nước miền nam Phi châu, 04/09, với 10 tiếng rưỡi đồng hồ trên máy bay, và khi ngài đến Maputo, thủ đô Mozambique, thì trời đã tối, chỉ có nghi thức tiếp đón dài gần 30 phút ở Phi trường, với sự hiện diện của Tổng thống và các quan chức chính quyền, các vị lãnh đạo Công Giáo địa phương. Dọc đường 7 cây số từ sân bay và Tòa Sứ Thần, rất đông dân chúng nồng nhiệt chào đón Đức Thánh Cha.

Nhưng một tin thu hút nhiều chú ý của giới báo chí là lời tuyên bố bộc phát của Đức Thánh Cha với một ký giả người Pháp cùng đi, là ông Nicholas Seneze: “Thật là một vinh dự cho tôi khi người Mỹ tấn công tôi!”. Câu này trở thành tựa đề cho nhiều bài báo quốc tế.

Ký giả Nicholas Seneze, phái viên của báo Công Giáo La Croix, tờ báo ngày nay có xu hướng cấp tiến ở Pháp, là tác giả cuốn sách mới với tựa đề “Nước Mỹ muốn thay đổi các Giáo Hoàng như thế nào” (How America Wants to Change Popes). Trong cuốn này, ông Seneze mô tả một mạng các nhà bình luận bảo thủ, các chính trị gia, thần học gia và chức sắc Giáo Hội Công Giáo ở Mỹ thường phê bình Đức Thánh Cha Phanxicô về đường lối khác so với các vị Giáo Hoàng trước đây. Các cơ quan truyền thông Công Giáo bảo thủ ấy thường được tài trợ dồi dào ở Mỹ.

Trên máy bay đi Phi châu, theo thói quen, khi Đức Thánh Cha đến chào thăm 70 người thuộc giới báo chí, thì ký giả Seneze đã hỏi ngài về cuốn sách mới của ông ta, và ngài trả lời như vừa nói, ngài coi như một vinh dự khi bị những người Công Giáo Mỹ bảo thủ ấy phê bình. Đức Giáo Hoàng chưa đọc cuốn sách đó và các cộng sự viên của ngài cũng chưa thể tìm được cuốn sách này, nhưng Đức Thánh Cha nói là ngài có nghe về vụ đó qua các báo chí Italia. Ngài nói thêm với ký giả Seneze rằng “Cuốn sách này là một quả bom”!

Một lát sau lời tuyên bố trên đây của Đức Thánh Cha, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đến gặp các ký giả với bản tuyên bố minh định câu trả lời của Đức Thánh Cha. Ông nói:

“Đức Thánh Cha nói trong một bối cảnh không chính thức, qua đó ngài muốn nói rằng ngài vẫn luôn coi những lời phê bình là một vinh dự, đặc biệt khi lời phê bình đó đến từ những tư tưởng gia có thế giá, trong trường hợp này là những người ở một nước quan trọng”.

Tuy có lời giải thích trên đây của Phát ngôn viên Tòa Thánh, nhưng vẫn có những tờ báo đăng tin với những tựa đề giật gân, xuyên tạc, ví dụ như “Đức Giáo Hoàng lấy làm vinh dự vì các Giám mục Mỹ tấn công ngài”!

Một nhận xét khác đáng chú ý về chuyến đi của Đức Thánh Cha tại Phi châu đến từ ông Luis Badilla, người Chile, Giám đốc mạng thông tin Sismografo. Ông viết:

“Kể từ chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 hồi năm 1964 tại Thánh Địa, đến nay đã có 168 cuộc tông du quốc tế của các vị Giáo Hoàng, kể cả chuyến đi Phi châu hiện nay của Đức Thánh Cha Phanxicô. Cho đến nay chưa bao giờ thiếu ký giả của một cơ quan thông tin ở Mỹ châu La tinh. Nhưng nay có một sự kiện tiêu cực, đáng lo âu: đó là lần này, không có ký giả nào người Mỹ châu La tinh cùng đi với Đức Giáo Hoàng trong chuyến bay.

Tại sao? Lý do đơn giản, duy nhất, và không sáng sủa lắm đối với tương lai, đó là từ vài năm nay, người ta nhận thấy các cơ quan truyền thông Mỹ châu La tinh tuyệt đối không có khả năng tài chánh để trả chi phí cho các ký giả tham gia các chuyến bay của Đức Giáo Hoàng. Trong chuyến đi này cũng vắng bóng nữ ký giả Valentina Alasraki, người Mexico, phóng viên của Đài truyền hình Televisa, và là người kỳ cựu nhất trong số các ký giả quốc tế tại Vatican, bà đã tham gia 152 cuộc tông du của các vị Giáo Hoàng, từ Đức Gioan Phaolô 2. Sự vắng bóng này là vì lý do kinh tế.

Trước đây, hơn 1 lần Tòa Thánh đã kêu gọi các giới hữu trách tìm ra những giải pháp mau lẹ và thích đáng, nhưng dường như quan tâm này không được để ý. Thật là uổng!

Add new comment

1 + 3 =