Hội đồng đại kết cố gắng tạo đối thoại giữa Chính thống Nga và Ucraina

25 May 2022, Moscow, Russia: The Kremlin, Russian state headquarters. | Photo: Albin Hillert/WCC

Ban Lãnh đạo Hội đồng đại kết các Giáo hội Kitô ở Genève, Thụy Sĩ, đang cố gắng kiến tạo cơ hội đối thoại giữa Giáo hội Chính thống Ucraina và Nga trong bối cảnh chiến tranh hiện nay.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức giám mục Heinrich Bedford-Strom, của Giáo hội Tin lành Luther bang Bavaria ở Đức, cũng là Chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Kitô, nói với đài phát thanh Công giáo ở Koeln, “Dom Radio”, hôm 16 tháng Năm vừa qua, rằng: “Công tác vừa nói chắc chắn là không dễ dàng, nhưng chúng tôi đang cố gắng thi hành. Chúng tôi muốn đặt câu hỏi: trong tình cảnh hiện nay, với tư cách là Giáo hội, phải chăng chúng ta có hành động khác biệt, và ít nhất là đối thoại với nhau như Giáo hội và dọn đường cho sự cảm thông giữa hai bên hay không”.

Trong tuần lễ từ ngày 10 đến ngày 13 tháng Năm, Đức giám mục Bedstrom cùng với một phái đoàn của Hội đồng đại kết, đã viếng thăm Ucraina và nói chuyện với hai Giáo hội Chính thống đang tranh biện với nhau: một là Giáo hội Chính thống Ucraina mới được chính thức độc lập từ bốn năm nay (2019), và hai là Giáo hội Chính thống Ucraina thuộc Tòa Thượng phụ Mascơva, vốn là Giáo hội đa số tại Ucraina cho đến thời kỳ trước chiến tranh hiện nay. Ngài nhận thấy có một sự cởi mở lớn trong cuộc đối thoại này. Phái đoàn Hội đồng đại kết hy vọng có thể tổ chức một cuộc trao đổi tương tự, kể cả với Giáo hội Chính thống Nga vào đầu tháng Mười năm nay.

Hôm 17 tháng Năm, Mục sư Jerry Pillay, thuộc Giáo hội Tin lành Trưởng lão Nam Phi, Tổng thư ký Hội đồng đại kết, cùng với ba vị khác, trong đó có linh mục Mikhail Gundiaev, Đại diện Chính thống Nga tại Hội đồng Đại kết, đã lên đường đến Mascơva để gặp Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga. Cuộc viếng thăm được thực hiện theo lời yêu cầu của Ủy ban trung ương Hội đồng đại kết, nhắm bắc những nhịp cầu hòa bình và hòa giải qua các cuộc gặp gỡ và đối thoại cũng như nhắm chấm dứt xung đột, chiến tranh và bạo lực.

Đức giám mục Bedstrom cũng cho biết Hội đồng đại kết vẫn luôn đối thoại với Giáo hội Chính thống Nga, cũng là thành viên của Hội đồng này. Ngài nói: “Chúng tôi nhập cuộc tại đó, nhưng không biết điều gì sẽ xảy ra”.

Về cuộc gặp gỡ hôm 13 tháng Năm vừa qua, giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và Tổng thống Zelensky của Ucraina, Đức giám mục Bedford-Strom tỏ ra hiểu việc Zelensky từ chối hòa đàm với Mascơva theo đề nghị của Đức Giáo hoàng, nhưng tôi phải nói thêm rằng “Giải pháp quân sự không phải là giải pháp duy nhất. Dĩ nhiên là chúng ta phải tự vệ và tôi ủng hộ điều đó, nhưng đó không thể là điều duy nhất. Chúng ta phải giữ cho những kênh thông tin trao đổi cho thời hậu chiến”. Nhưng điều này phải diễn ra trên một căn bản rõ ràng. Các Giáo hội không phải là những người trung gian trung lập đúng nghĩa. Đại hội của Hội đồng đại kết hồi mùa hè năm qua ở Karlsruhe bên Đức đã ra tuyên ngôn rõ ràng về chiến tranh tại Ucraina, đã lên án cuộc xâm lăng của Nga là bất hợp pháp, vô luân, và lên án việc lạm dụng ngôn ngữ tôn giáo để biện minh cho chiến tranh. “Từ căn bản đó, chúng tôi không nói về sự trung lập đặt kẻ tấn công và người bị tấn công trên cùng một mức độ”.

(KAP 16-5-2023)

Add new comment

2 + 0 =