Hội nghị thế giới đầu tiên tại Sydney về nạn nô lệ tân thời

Vannak Anan Prum. Image: Diocese of Parramatta.

Hôm 30/07/2019 vừa qua, Hội nghị thế giới đầu tiên về nạn nô lệ tân thời đã khai diễn tại Sydney, Australia, và kéo dài trong 2 ngày với sự tham dự của các vị lãnh đạo và điều hành của hơn 40 tổ chức và cơ quan Công Giáo dấn thân chống tệ nạn này.

G. Trần Đức Anh O.P - Roma

Hội nghị khai diễn trùng vào Ngày Thế giới chống nạn buôn người do Liên Hiệp Quốc đề xướng.

Mục đích Hội nghị tại Sydney

Ông John McCarthy, Chủ tịch Ủy ban đặc nhiệm của Tổng giáo phận Sydney chống nạn nô lệ tân thời, cho biết Hội nghị này nhắm cổ võ sự cộng tác chặt chẽ hơn giữa các tổ chức Công Giáo trong cuộc chiến chung chống nạn nô lệ tân thời.

Giáo phận Sydney duyệt lại các hợp đồng

Hồi năm 2017, Đức Cha Anthony Fisher, dòng Đa Minh, Tổng giám mục giáo phận Sydney, đã quyết định duyệt lại tất cả các hợp đồng và các giao thương của giáo phận thuộc quyền với các công ty và tổ chức, để đảm bảo sao cho các tổ chức này không sử dụng các công nhân viên như nô lệ hoặc dính líu tới tệ nạn này.

Theo luật của Australia chống nạn nô lệ tân thời, các công ty và tổ chức có lợi tức hàng năm trên 100 triệu đôla phải đệ trình một tuyên ngôn công khai về những gì mình thực hiện nhắm phát hiện và giảm bớt nguy cơ dính líu đến nạn nô lệ tân thời và các hệ thống cưỡng bách lao động.

Các diễn giả tại Hội nghị

Trong số các diễn giả tại Hội nghị ở Sydney, có Ông Alexander Coward, thuộc bộ nội vụ Australia, trình bày và những qui luật mới và chỉ nam chống nạn nô lệ tân thời.

Ông Vannak Anan Prum, người Kampuchia, từng là nạn nhân của nạn nô lệ, kể lại kinh nghiệm của ông bị bán và làm nô lệ trên một tàu đánh cá. Ông chạy thoát được, nhưng rồi lại bị những người cứu ông bán làm nô lệ trong một đồn điền trồng dừa.

Nhận xét của Đức Cha Sorondo

Đức Cha Marcelo Sánchez Sorondo, Chưởng ấn hàn lâm viên Tòa Thánh về các khoa học, mô tả Hội nghị ở Sydney như một mẫu gương cho các giáo hội địa phương khác trên thế giới. Đức Cha nói: “Đứng trước hàng triệu nạn nhân nô lệ, chúng ta không thể uổng phí thời gian nữa. Hội nghị này nhấn mạnh nghĩa vụ luân lý cấp thiết của các tín hữu Công Giáo trên thế giới cần cộng tác với nhau để bài trừ nạn nô lệ ngày nay”.

Theo cơ quan chuyên thiết lập “Chỉ Số nô lệ trên thế giới” (Global Slavery Index), hiện nay có gần 36 triệu người là những người nô lệ tân thời: họ là nạn nhân nạn buôn người, bị cưỡng bách lao động. Họ bị coi như những đồ vật sở hữu của người khác và bị đối xử với tinh thần ấy, kể cả bằng bạo lực và cưỡng bách. (KNA, CathNews 29-7-2019)

Add new comment

9 + 0 =