Hội nghị thứ XII của các giám mục Đức và Ba Lan tại Auschwitz

Photo by Severinus Dewantara on Unsplash

Cuộc Hội thảo Âu châu về hòa giải lần thứ XII sẽ tiến hành tại Auschwitz-Oswiecim, bên Ba Lan từ ngày 11 đến 16/8/2021 tới đây, về chủ đề: “Cùng nhau học hỏi từ Auschwitz: hình thành những quan hệ một cách xây dựng”.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Cuộc Hội thảo do Hội Massimiliano Kolke tổ chức. Hội này được thành lập năm 2007 với sự hỗ trợ của Hội đồng Giám mục Đức và Ba Lan, và sẽ được các giám mục đến từ hai nước này tham dự, cùng với những người sống sót từ trại tập trung của Đức Quốc Xã. Mục đích khóa họp là để phân tích “những vết thương còn kéo dài do trại Auschwitz và thế chiến thứ II gây ra, dựa trên những kinh nghiệm khác nhau. Các tham dự viên sẽ trao đổi ý kiến về những viễn tượng cơ bản để vượt thắng bạo lực và đạt tới hòa giải, và về những khó khăn cần đương đầu trong hành trình này”.

Đức cha Ludwig Schick, Tổng giám mục giáo phận Bamberg, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Đức về Giáo hội hoàn vũ, cũng là chủ tịch Hội đồng quản trị Hội Massimiliano Kolbe, giải thích rằng: “Năm nay, chúng ta kỷ niệm 80 năm qua đời của thánh Kolbe, mẫu gương bác ái và là bổn mạng sự hòa giải trên toàn Âu châu”. Thực vậy, thánh nhân qua đời ngày 14/8 năm 1941, trong hầm bỏ đói tại trại tập trung Auschwitz, sau khi tình nguyện chết thay cho một người cha gia đình. Cha được Đức Giáo hoàng Phaolô VI phong chân phước năm 1971 và được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong hiển thánh năm 1982. Lễ tưởng niệm thánh nhân sẽ được cử hành vào ngày 13/8 tới đây, từ 7 giờ đến 9 giờ tối, tại Trung tâm đối thoại và cầu nguyện ở thành phố Oświęcim/ Auschwitz.

Đức Tổng giám mục Schick nói thêm rằng: “Chúng ta đã đi được đoạn đường dài tiến đến sự hòa giải giữa người Ba Lan và Đức, cũng như tiến về hòa bình, trong tinh thần Tin mừng. Đặc biệt trong thời đại ngày nay đang có nhiều thách đố tại Đông và Tây Phương, nhưng kinh nghiệm hòa giải vẫn còn là một hướng đi quan trọng và là một khích lệ để đương đầu với những thách đố hòa bình”. Vì thế, Hội nghị sắp tới sẽ góp phần củng cố con đường tiến về sự chữa lành và hòa giải tại tất cả các đại lục, và hình thành một mạng Âu châu để hỗ trợ các hoạt động tương tự”. Ngoài ra, dưới ánh sáng kinh nghiệm về đại dịch Covid-19, càng ngày người ta càng thấy rõ tầm quan trọng rất lớn của việc xây dựng và duy trì các tương quan tín nhiệm nhau”.

(Vatican News 4-8-2021)

Add new comment

1 + 13 =