Kỷ niệm 80 năm quan hệ ngoại giao Tòa Thánh và Trung Hoa

Conferenza Formosa Taiwan, Campo di Dio | Vatican News

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Trung Hoa, hôm 11 tháng Bảy vừa qua, Đại sứ quán Đài Loan cạnh Tòa Thánh đã tổ chức một cuộc Hội thảo về đề tài: “Đài Loan tươi đẹp, cánh đồng của Thiên Chúa” (Formosa Taiwan, Campo di Dio).


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đại sứ Đài Loan cạnh Tòa Thánh, ông Matthêu Lý Thế Minh (Matthew Shieh-Ming Lee và Đức Tổng giám mục Protase Rugambwa, người Tanzania, Tổng thư ký Bộ truyền giáo, đã chủ tọa cuộc hội thảo, với một số thuyết trình viên tên tuổi, trong đó có hai linh mục cựu thừa sai tại Đài Loan và Hong Kong, trước sự hiện diện của 80 người, trong đó có nhiều viên chức Tòa Thánh và nhân viên ngoại giao đoàn, các tu sĩ và ký giả, giáo dân.

Đức Tổng giám mục Rugambwa đã trình bày về vấn đề loan báo Tin mừng cho nhân dân Đài Loan, vì “đây thực sự là một cánh đồng của Thiên Chúa và chúng ta còn ở giai đoạn khởi đầu, còn rất nhiều điều phải làm cùng nhau, cần tiến bước và để cho Chúa Thánh Linh hướng dẫn”. Đức Tổng giám mục nói: “Điều cấp thiết là mang lại cho công cuộc truyền giáo tại đây một sự thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt để cánh đồng này của Chúa thực sự trở thành một thực tại quyết định đối với việc truyền giáo tại Á châu, một luồng ánh sáng, một ngọn đèn pha mạnh mẽ, làm chứng về tình thương của Thiên Chúa được biểu lộ trong Chúa Giêsu”.

Cha Criveller, thừa sai người Ý thuộc Hội Giáo hoàng truyền giáo hải ngoại Milano, gọi tắt là Pime, đã gợi lại lịch sử quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Trung Hoa, được thiết lập vào năm 1942 và tiến sĩ Gioan Ngô Công Hùng (John Wu Ching Hsiung, 1899-1986) là Công sứ thứ hai của Trung Hoa cạnh Tòa Thánh. Ông là một luật gia nổi tiếng, trở lại Công giáo nhờ tình bạn với cha Nicola Maestrini, thừa sai Pime ở Hong Kong. Ông là tác giả cuốn “Khoa học tình yêu” một khảo luận rất hay về thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trong đó ông mô tả thánh nữ là một tổng hợp luân lý đạo đức của Khổng giáo và thần bí học của Lão giáo.

Trong những biến cố chính trị tại Trung Quốc, Mao Trạch Đông đã trục xuất Đức quyền Sứ thần Tòa Thánh Antonio Riberi năm 1951 và tòa Sứ thần tại Bắc Kinh được di chuyển tới Đài Bắc năm 1951. Đầu thập niên 1950 tại Đài Loan chỉ có 11.000 tín hữu Công giáo, với 12 linh mục thừa sai dòng Đa Minh và ba linh mục Đài Loan. Nhưng cùng với Đức Tổng giám mục Riberi có hơn 800 linh mục và vài trăm nữ tu người Hoa và nước ngoài từ Hoa Lục di tản tới đảo này, cùng với một triệu binh sĩ Trung Hoa dân quốc và người tị nạn. Số tín hữu Công giáo tại Đài Loan tăng lên 300.000 người.

Năm 1971, Đức Giáo hoàng Phaolô VI hạ cấp ngoại giao của Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Đài Bắc và từ đó chỉ bổ nhiệm một Đức ông Đại biện (chargé d’affaires) thay vì một vị Tổng giám mục Sứ thần, qua đó Tòa Thánh muốn bày tỏ thái độ sẵn sàng của Tòa Thánh đối với Trung Quốc.

Cha Criveller kết luận rằng “Những hoàn cảnh lịch sử đã khiến Đài Loan và Tòa Thánh đồng hành với nhau từ bao nhiêu năm qua. Người ta không thể coi Đài Loan chỉ là một tàn tích lịch sử có thể gạt bỏ. Đài Loan nhỏ bé, nhưng những Đài Loan có một ý nghĩa lớn: tại đây Giáo hội tự do và an bình. Có tự do, có đa nguyên, đối thoại giữa các tín hữu thuộc các tín ngưỡng và dân chủ. Đó không phải là điều ít ỏi trong thời nay người ta ít yêu chuộng tự do, đối thoại và dân chủ”.

(Asia News 12-7, Avvenire 13-7-2022)

Add new comment

1 + 0 =