Radio Veritas Asia Buick St., Fairview Park, Quezon City, Metro Manila. 1106 Philippines | + 632 9390011-15 | +6329390011-15
Lần đầu tiên từ 10 năm, thu nhập của hai Giáo hội Đức giảm
Lần đầu tiên từ 10 năm nay, số thu nhập của hai Giáo hội Công giáo và Tin lành tại Đức bị giảm vì Covid-19.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Hãng tin Công giáo Đức KNA truyền đi ngày 14/7/2021 vừa qua, cho biết trong năm ngoái (2020), Giáo hội Công giáo tại Đức, gồm 27 giáo phận, nhận được 6 tỷ 450 triệu Euro tiền thuế Giáo hội, do các tín hữu Công giáo đóng góp, và 20 Giáo hội Tin lành ở Đức nhận được 5 tỷ 630 triệu Euro. So với năm 2019, lần đầu tiên từ năm 2010, số thu nhập của hai khối Giáo hội Kitô này sụt 5%, tức là ít hơn 600 triệu Euro. Lý do vì đại dịch Covid-19 làm giảm bớt lương bổng của những người đóng thuế cho Giáo hội. Số tín đồ của hai Giáo hội trong năm 2020 là 42 triệu 400.000 người, tức là giảm gần 441.400 người.
Tại Đức, những cộng đồng tôn giáo được nhà nước công nhận thì có quyền được tín đồ đóng thuế, theo mức ấn định của mỗi nghị viện tiểu bang. Tại bang Baden-Wuerttemberg và Bavaria, tiền thuế Giáo hội tương đương với 8% số tiền thuế lợi tức đóng cho nhà nước. Tại các bang còn lại, tiền thuế Giáo hội là 9%.
Ngoài hai Giáo hội Kitô lớn, cả Do thái giáo, Giáo hội Công giáo cũ, và một vài Giáo hội Kitô cũng có quyền được các tín đồ đóng thuế. Ai không muốn đóng thuế thì phải làm đơn xin ra khỏi Giáo hội của mình. Những người có lợi tức thấp, người thất nghiệp, người không có lương bổng thì không phải trả thuế.
Với tiền thuế nhận được, các Giáo hội trả lương bổng cho các nhân viên làm việc trong lãnh vực mục vụ, học đường và các cơ sở xã hội. Việc quản trị tiền thuế Giáo hội do mỗi giáo phận Công giáo hoặc mỗi Giáo hội Tin lành của các bang liên hệ quản lý.
Theo một nghiên cứu, do hai Giáo hội Công giáo và Tin lành Đức thuê thực hiện và công bố hồi năm 2019, thì vào năm 2060 tới đây, số tiền thuế hai Giáo hội nhận được sẽ giảm một nửa, vì trong vòng 40 năm tới đây, chỉ còn khoảng 30% dân Đức là tín đồ thuộc hai Giáo hội này, so với tỷ lệ hiện nay là 51%.
Tại một số nước Âu châu khác như Áo, Thụy Sĩ vùng Đức, Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch cũng có hệ thống thuế Giáo hội, trong khi tại Mỹ, Pháp, Bồ Đào Nha, Ailen và Hòa Lan không có chế độ này và số thu nhập của Giáo hội do các cuộc quyên góp nơi các tín hữu.
Tại Ý, Tây Ban Nha, Hungary và một số nước khác, cũng có chế độ đóng góp nhưng rất khác so với nước Đức. Ví dụ tại Ý, khi khai thuế, tín hữu được yêu cầu quyết định xem có dành cho Giáo hội hay tôn giáo của mình ngân khoản tương đương với 0,8% tiền thuế đóng cho nhà nước hay không.
(KNA 14-7-2021)
Add new comment