Mười năm độc lập của Nam Sudan: Hy vọng héo hắt

Photo: AFP or licensors

Hôm 9/7/2021 là kỷ niệm đúng 10 năm nền độc lập của Nam Sudan, sau một cuộc trưng cầu dân ý, tách rời khỏi nước Sudan ở miền bắc với sự đồng thuận của hơn 98% cử tri.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Trong sứ điệp nhân dịp kỷ niệm này, Hội đồng các Giáo hội Kitô Nam Sudan nhận định rằng: “Chúng ta chẳng có nhiều điều để mừng, vì hiện nay người dân Nam Sudan đang phải trải qua một thời kỳ khó khăn vì bạo lực liên tục, thất vọng và lầm than”.

Nền độc lập của Nam Sudan bắt đầu ngày 9/7/2011, nhưng chỉ 2 năm sau đó, 2013, nội chiến bắt đầu tại nước này, khi phe của Tổng thống Salva Kiir, thuộc bộ tộc Dinka, bắt đầu đụng độ với phe của phó Tổng thống Riek Machar, thuộc bộ tộc Nuer. Nội chiến cho đến nay đã làm cho 400.000 người chết và 4 triệu người dân phải di tản nội địa hoặc chạy sang các nước láng giềng.

Hồi năm 2018, một hiệp định đã được ký kết để chấm dứt chiến tranh, và tháng Hai năm ngoái, 2020, các phe chính trị đã đạt tới một sự thỏa thuận để thành lập một chính phủ lâm thời thống nhất đất nước, với ông Salva Kiir làm Tổng thống và ông Riek Machar, cùng với 4 người khác làm phó Tổng thống. Nhưng kết quả cụ thể chưa thấy và bạo lực tiếp tục.

Hồi tháng Tư vừa qua, cha Christian Carlassare, thừa sai người Ý thuộc dòng thánh Comboni, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm tân Giám mục giáo phận Rumbek, sau nhiều năm trống tòa, nhưng ngài đã bị những kẻ lạ mặt bắn bị thương ở hai chân trong đêm khuya tại Tòa giám mục, cũng vì lý do bộ tộc.

Tuyên ngôn của Hội đồng các Giáo hội Kitô Nam Sudan lên án bạo lực kinh niên giữa các bộ tộc, cũng như những vụ hãm hiếp gia tăng, những vụ giết người vì thù hận, nạn chiếm đất đai và bắt cóc trẻ em. Các yếu tố đó không những làm xáo trộn hòa bình, nhưng còn ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển đất nước về mặt xã hội và kinh tế. Tuyên ngôn có đoạn viết: “Các cuộc xung đột làm cho 10 năm đầu tiên của đất nước chúng ta sau khi được độc lập trở thành một thập niên bị uổng phí. Hiện nay, chúng ta đang ở trong tình trạng bế tắc: nhân dân Nam Sudan bị bỏ rơi, không còn hy vọng và hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ nhân đạo”.

Hội đồng các Giáo hội Kitô Nam Sudan kêu gọi các nhà chức trách chính trị thực thi hiệp định hòa bình đã ký kết và cho biết các Giáo hội tái quyết tâm hỗ trợ hòa bình, công lý, tha thứ và hòa giải, đồng thời hy vọng 10 năm tới đây là một cuộc khởi hành mới, một cơ hội để cứu dân khỏi lầm than.

Tình trạng tại Nam Sudan đặc biệt được Đức Thánh cha Phanxicô quan tâm. Ngài 11/4/2019, ngài đã tổ chức một cuộc tĩnh tâm tại Vatican cho các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo của Nam Sudan. Thậm chí ngài đã quì gối hôn chân Tổng thống Salva Kiir và các phó Tổng thống hiện diện, để xin họ hãy dập tắt ngọn lửa chiến tranh một lần cho tất cả.

(Vatican News 8-7-2021)

Add new comment

10 + 4 =