Ngoại trưởng Tòa Thánh kêu gọi quyết liệt loại trừ vũ khí hạt nhân

Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng giám mục Paul Gallagher tố giác các yếu tố cản trở sự quyết liệt loại trừ hoàn toàn võ khí hạt nhân.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Trong bài tham luận hôm 28/9/2021 vừa qua, tại Đại Hội đồng thứ 76 của Liên Hiệp Quốc ở New York, nhân ngày kỷ niệm và thăng tiến Ngày Thế giới hoàn toàn loại trừ vũ khí hạt nhân, Đức Tổng giám mục Gallagher nhắc lại sự kiện cách đây bốn năm, 122 quốc gia đã bỏ phiếu chấp nhận Hiệp ước về việc cấm các võ khí hạt nhân. Hồi tháng Giêng năm nay, Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực. Tòa Thánh biết ơn các quốc gia đã ký và phê chuẩn Hiệp ước này và khuyến khích các nước còn lưỡng lự hãy tham gia Hiệp ước quan trọng này.

Đức Tổng giám mục đặc biệt ghi nhận hai yếu tố góp phần kéo dài tình trạng về võ khí hạt nhân hiện nay trên thế giới:

Thứ nhất là chính sách răn đe, là chủ trương trang bị võ khí hạt nhân để đối phương nể sợ không dám tấn công. Chính sách này đưa tới sự chạy đua võ trang và tạo nên một môi trường công nghệ phi nhân bản, duy trì và làm cho sự ngờ vực giữa các quốc gia trầm trọng thêm. Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh nói: “Chúng ta cần đón nhận trực giác của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII nói rằng: “Hòa bình đích thực và lâu bền giữa các dân nước không hệ tại sự quân bình võ trang, nhưng chỉ hệ tại sự tín nhiệm nhau”. Sự tín nhiệm giữa các dân nước bảo đảm sự kiểm chứng, và Tòa Thánh mạnh mẽ ủng hộ các hiệp định giải trừ võ trang có thể kiểm chứng được.

“Yếu tố thứ hai là một số quốc gia chi tiêu những ngân khoản khổng lồ cho việc sản xuất và triển khai các kho võ khí hạt nhân, là một nguồn mạch gây ra sự chênh lệch bên trong và giữa các quốc gia. Đứng trước đại dịch hoàn cầu, không biết kéo dài bao lâu và những hậu quả ngày càng tệ hại của sự thay đổi khí hậu, các nước cần giảm bớt chi phí quân sự để đáp ứng các nhu cầu nhân bản và những đòi hỏi của căn nhà chung của chúng ta. Trong bối cảnh này, Tòa Thánh muốn lập lại lời thỉnh cầu tha thiết xin các chính phủ dùng số tiền thay vì chi cho việc mua sắm khí giới và các chi phí quân sự thì dùng để thiết lập một ngân quỹ hoàn cầu giúp chấm dứt nghèo đói và hỗ trợ phát triển tại các nước nghèo nhất”.

Sau cùng, Đức Tổng giám mục Gallagher nhắc đến những lời đầu tiên trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, mạnh mẽ kêu gọi dấn thân để cứu các thế hệ nối tiếp nhau khỏi tai ương chiến tranh... gây ra những đau buồn khôn tả cho nhân loại”.

(Vatican News 28-9-2021)

Add new comment

10 + 2 =