Ngoại Trưởng Tòa Thánh phê bình viện trợ ý thức hệ

Đức Tổng giám mục Paul Gallagher và ông Mike Pompeo, ngoại trưởng Mỹ | Credit: Hannah Brockhaus/CNA.

Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng giám mục Paul Gallagher, phê bình một số chính phủ tài trợ các cơ quan từ thiện với những điều kiện ý thức hệ, không luôn luôn phù hợp với các nguyên tắc và xác tín tôn giáo.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Đức Tổng giám mục Gallagher đưa ra nhận định trên đây trong bài tham luận tại Hội nghị tại Vatican hôm 02/10/2019 vừa qua về đề tài “Những con đường thực hiện phẩm giá con người: đối tác với các tổ chức từ thiện của các tôn giáo”.

Trong số các tham dự viên, cũng có ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo, và bà đại sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh Callista Gingrich.

Ba lãnh vực cộng tác giữa Tòa Thánh và Hoa Kỳ

Đức Tổng giám mục ngoại trưởng Tòa Thánh nhắc đến kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Hoa Kỳ, cũng như sự cộng tác giữa hai bên trong 3 lãnh vực quan trọng nhắm thăng tiến phẩm giá con người, đó là đẩy mạnh tự do tôn giáo như một quyền căn bản, chiến đấu chống tệ nạn buôn người và cung cấp trợ giúp nhân đạo.

Lãnh vực trợ giúp nhân đạo

Về điểm thứ ba này, Đức Tổng giám mục Gallagher nói: “Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo, qua hệ thống các cơ quan từ thiện của mình, trợ giúp nhân đạo trực tiếp cho hàng triệu người trên thế giới, nhất là tại những vùng có xung đột võ trang hoặc các khủng hoảng khác về chính trị, xã hội hoặc kinh tế. Khi thực hiện các trợ giúp như thế, các tổ chức Công Giáo không phân biệt căn tính tôn giáo hoặc chủng tộc của những người xin giúp đỡ, và luôn dành ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương và túng thiếu nhất”.

Một số chính phủ theo đuổi ý thức hệ trong việc trợ giúp nhân đạo

Đức Tổng giám mục ngoại trưởng Tòa Thánh cũng cho biết các tổ chức từ thiện Công Giáo nhận được ngân khoản cần thiết do những lời kêu gọi của các Hội đồng Giám mục, các đóng góp của các tín hữu Công Giáo và đôi khi từ sự đối tác với các chính phủ và các tổ chức quốc tế. Tòa Thánh đánh giá cao sự cộng tác này. Nhưng trong một số trường hợp, có những chính phủ đặt những điều kiện có tính chất ý thức hệ, không luôn luôn phù hợp với các nguyên tắc và xác tín tôn giáo. Thật là một điều xen mình không thích hợp khi một ân nhân áp đặt văn hóa, các giá trị, ý thức hệ và các chính sách của họ, làm hao mòn các truyền thống, lịch sử, các giá trị tôn giáo và luân lý của những người mà họ muốn giúp đỡ”.

Kêu gọi giải quyết các nguyên nhân gây khủng hoảng

Trong bài tham luận, Đức Tổng giám mục ngoại trưởng Tòa Thánh cũng khẳng định rằng: “Trong khi đáp ứng những nhu cầu cấp thiết về nhân đạo, Tòa Thánh tin rằng cần gấp rút giải quyết các nguyên nhân gây ra các cuộc khủng hoảng như thế, như chiến tranh đáng kinh tởm, các cuộc bách hại, những vụ vi phạm nhân quyền, tình trạng bất an về chính trị hoặc xã hội, nạn nghèo đói cùng cực, những hậu quả của sự thay đổ khí hậu, v.v.”

Tham luận của ngoại trưởng và đại sứ Mỹ

Lên tiếng trong Hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đặc biệt bày tỏ quan tâm vì chính sách đàn áp tôn giáo của nhà nước Trung Quốc, như trường hợp những người Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương và nhiều mục sư, linh mục Kitô bị cầm tù...

Đại Sứ Mỹ đặc trách vấn đề tự do tôn giáo quốc tế, ông Sam Brownback, kêu gọi Trung Quốc từ bỏ cuộc chiến tranh về tôn giáo và cho biết Bộ ngoại giao Mỹ đặc biệt lo âu vì chính phủ Trung Quốc dùng kỹ thuật tối tân, như nhận diện khuôn mặt và hệ thống “tín dụng xã hội” (social-credit score system) để gạt các tín hữu ra ngoài lề xã hội. (SS Vat. 2-10-2019)

Add new comment

9 + 8 =