Suy tư của Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống trước đại dịch

Đức Tổng giám mục Vincenzo Paglia | Vatican News

Hôm 22/7/2020 vừa qua, Đức Tổng giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, đã công bố một số suy tư và bài học, rút ra từ tình trạng đại dịch Covid-19 mà nhân loại đang phải đương đầu.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Covid-19 và sự khai thác tài nguyên trái đất

Trong số những khía cạnh được Đức Tổng giám mục Paglia đề cập đến, có tương quan giữa đại dịch Covid-19 và sự khai thác các tài nguyên của trái đất. Đức Tổng giám mục viết: “Đó là một trong những khía cạnh lệ thuộc hỗ tương: những hiện tượng được theo đuổi với chủ ý đặc thù, đặc biệt trong lãnh vực nông nghiệp, công nghệ, du lịch, hậu cần, nối kết với nhau và các hậu quả của chúng gia tăng thêm. Sự phá rừng làm cho các thú rừng tiếp xúc với môi trường sinh sống của con người, trong đó sự chăn nuôi khẩn trương làm cho súc vật phải theo tiêu chuẩn sản xuất công nghệ. Điều này được thực hiện để đáp ứng nhu cầu có thịt để xuất khẩu, và thế là trên bàn ăn của chúng ta, có thể có những món không tương ứng với chế độ ăn uống cân bằng và không bền vững. Toàn bộ tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh nhảy từ loại này sang loại khác, cho đến con người”.

Cần quân bình giữa phòng ngừa và chữa trị

Về vấn đề sức khỏe công cộng, Đức Tổng giám mục Paglia nhận xét rằng người ta có thể rút ra từ đại dịch Covid-19 bài học này, đó là “cần có sự quân bình hơn giữa các tài nguyên đầu tư vào việc phòng ngừa bệnh tật và tài nguyên dành cho việc chữa trị. Điều này có nghĩa là, không phải chỉ tập trung vào các nhà thương, nhưng còn phải để ý đến các mạng lưới địa phương, và cả vào việc trợ giúp và giáo dục về sức khỏe. Ngoài ra, chúng ta hiểu rằng sức khỏe của mỗi người có liên hệ chặt chẽ tới sức khỏe của tất cả mọi người. Cần có những lối cư xử trách nhiệm, không những để bảo vệ an sinh riêng của mình, nhưng cả an sinh của người khác nữa”.

Vấn đề thuốc chủng ngừa

Về vấn đề phòng ngừa sự khai thác thương mại đối với các thuốc chủng ngừa hay vắc-xin, hoặc để tránh sự chênh lệch trong sự trị liệu y tế cho những người sống tại nước giàu và những người tại nước nghèo, Đức Tổng giám mục Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống viết: “Cần đặt những qui tắc cho việc nghiên cứu, làm sao để nó không phải chỉ đáp ứng những lợi lộc chính trị và kinh tế của thiểu số, nhưng có thể được tiến hành trong tự do và trách nhiệm. Vì thế, các khoản tài trợ phải được minh bạch và chia sẻ, để cả những lợi ích trong vấn đề này được phân phối công bằng”.

Tổ chức Sức khỏe thế giới

Sau cùng về các tổ chức quốc tế, Đức Tổng giám mục Paglia nhận xét rằng: “Đại dịch đã chứng tỏ không một nước nào có thể tiến hành độc lập với nước khác, không phải chỉ vì lý do y tế, nhưng cả về kinh tế nữa. Vì thế, điều tối quan trọng là một tổ chức có thể được mọi nước hỗ trợ và phối hợp các hoạt động, trong những giai đoạn khác nhau của việc theo dõi, ngăn chặn và chữa trị bệnh tật, giúp cho thông tin cảnh báo được tiến hành. Tổ chức Sức khỏe thế giới là điều không thể thiếu được, cho dù tổ chức này có những thiếu sót: chúng ta phải rút ra những bài học từ những sai lầm và cải tiến chức năng của tổ chức này. Chỉ như thế, chúng ta mới có thể làm cho quyền của mọi người được sức khỏe, được thực thi hữu hiệu ở mức độ cao hơn, như một biểu hiện sự bảo vệ phẩm giá bất khả nhượng của con người”.

(Sala Stampa 22-7-2020)

Add new comment

2 + 5 =