Radio Veritas Asia Buick St., Fairview Park, Quezon City, Metro Manila. 1106 Philippines | + 632 9390011-15 | +6329390011-15
Tình hình Ucraina theo Đức Sứ thần Tòa thánh
Tình hình tại Ucraina vẫn còn rất khó khăn, dân chúng đau khổ vì nghèo do chiến tranh từ 5 năm nay và mong muốn hòa bình.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Đức Tổng giám mục Claudio Gugerotti, Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng Hòa Ucraina, cho biết như trên sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô, trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 08/12/2019 vừa qua, kêu gọi các tín hữu hiệp ý với ngài cầu nguyện cho cuộc họp thượng đỉnh ngày 09/12/2019 tại Paris giữa các vị Tổng thống Nga, Mỹ, Ucraina và thủ tướng Đức, quen gọi là khối “Normandie”.
Quan tâm của Đức Thánh Cha về Ucraina
Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Cuộc họp của khối Normandie này ở Paris là để tìm kiếm những giải pháp cho cuộc xung đột từ nhiều năm nay ở miền đông Ucraina. Tôi tháp tùng cuộc gặp gỡ này bằng lời cầu nguyện nồng nhiệt và xin anh chị em cũng cầu nguyện như vậy, để sáng kiến đối thoại chính trị này góp phần mang lại hòa bình trong công lý cho lãnh thổ và dân chúng tại miền đông Ucraina”.
Tuyên bố với Đài Vatican hôm 08/12, Đức Tổng giám mục Gugerotti nhận định rằng: “Trong những năm qua và hiện nay, chúng tôi nhận thấy Đức Thánh Cha rất gần gũi với nhân dân Ucraina. Ngài đóng góp nhiều về kinh tế để giúp đỡ những người nghèo do chiến tranh tạo nên và ngài thường lên tiếng kêu gọi các phe liên hệ tận dụng những cơ hội hòa bình... Những lần lên tiếng của Đức Thánh Cha rất quý giá và là một an ủi lớn đối với nhân dân Ucraina, họ có cảm tưởng bị thế giới bỏ quên”.
Theo Đức Sứ Thần Tòa Thánh, trong thời gian gần đây đã có những bước tiến can đảm nói lên ước muốn hòa bình, vì nếu muốn đối thoại, người ta có thể tìm được không gian để thực hiện.
Cuộc họp tại Paris
Cuộc họp thượng đỉnh ngày 09/12 này của khối Normandie là cuộc họp đầu tiên từ 3 năm nay, và thảo luận về phương thức thực hiện hòa bình tại các lãnh thổ ở miền Đông Ucraina bị chiếm đóng. Cuộc họp này diễn ra giữa lúc quan hệ giữa Mỹ và Ucraina trở nên lạnh nhạt, vì vai trò của Ucraina trong các cuộc thẩm vấn của quốc hội Mỹ nhắm truất phế tổng thống Donald Trump. Cũng có nhiều người sợ rằng tổng thống Zelensky của Ucraina sẽ nhân nhượng và chấp nhận thực trạng các vùng bị chiếm đóng mà không đòi phải có sự giải giáp và kiểm soát vùng biên giới giữa Ucraina và Nga.
Chiến cuộc tại miền đông Ucraina
Nga đã chiếm và xáp nhập bán đảo Crimea của Ucraina hồi năm 2014, và sau đó các thành phần ly khai gốc Nga võ trang ở miền Đông Ucraina đã chiếm miền nam, với sự hỗ trợ của Nga. Các cuộc xung đột đã làm cho hơn 13 ngàn người Ucraina thiệt mạng. Cuộc trao đổi tù binh đầu tiên từ năm 2014 đã diễn ra hồi đầu tháng 9 năm nay, nhưng mỗi bên chỉ có 35 tù binh được trả tự do trong cuộc trao đổi này.
(Tổng hợp 8-12-2019)
Add new comment