Tòa Thánh tăng cường đối thoại với Hồi giáo Shiite

Photo: asianews.it

Công giáo và Hồi giáo Shiite đang tăng cường đối thoại và tương quan với nhau: một hạt giống đối thoại giữa hai bên đã được gieo vãi cách đây hai năm trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha Phanxicô tại Irak.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Sáng ngày 10 tháng Ba vừa qua, tại Vatican, Đức Thánh cha đã tiếp kiến riêng Ayatollah Seyed Abu al Hassan, Viện trưởng Đại học danh tiếng của Hồi giáo ở thành Qom bên Iran. Sau đó, ông đã viếng thăm Học viện Giáo hoàng về Thánh Mẫu Maria (PAMI) ở Roma. Tại đây, trong bài thuyết trình, ông đã nói về “hai đạo quân vô hình, gieo rắc chiến tranh, là u mê và sợ hãi”.

Trong cuộc viếng thăm này, Học viện Thánh Mẫu và Đại học Qom đã ký một hiệp định cộng tác với nhau để phổ biến văn hóa hòa bình và đối thoại liên tôn.

Trước đó, từ ngày 08 đến ngày 10 tháng Ba, đã diễn ra một Hội nghị do Cộng đồng thánh Egidio ở Roma và Học viện Al-Khoei của Hồi giáo Shiite cùng tổ chức, tại thành thánh Najaf của Hồi giáo tại Irak. Đề tài Hội nghị quốc tế này là: “Các tín hữu Công giáo và Hồi giáo Shiite trước tương lai. Hai năm sau cuộc viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Irak”.

Trong số các tham dự viên và diễn giả, từ phía Công giáo có Đức Hồng y Guixot, người Tây Ban Nha, thuộc Dòng thánh Comboni, Bộ trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn của Tòa Thánh, Đức Hồng y Raphael Sako, Giáo chủ Công giáo Canđê ở Irak và giáo sư Andrea Riccardi, vị sáng lập Cộng đồng thánh Egidio. Tại Hội nghị này, Đức Hồng y Guixot và giáo sư đã trao một sứ điệp của Đức Thánh cha cho Ayatollah al-Sistani, thủ lãnh của Hồi giáo Shiite ở Irak.

Lên tiếng tại Hội nghị này, một giáo sư của Học viện Al-Khoei của Hồi giáo nói rằng đối tượng Hội nghị không phải là “thống nhất các tôn giáo thành một, nhưng là cùng nhau làm việc cho công ích”.

Còn đạo sĩ Shahid al-Baghdadi, Quản đốc Đền thánh Imam Alì, nói rằng cuộc gặp gỡ này là thành phần của một dự án rộng lớn hơn, qua đó các chuyên gia Hồi giáo và Kitô giáo có thể xây dựng một tư tưởng về tình huynh đệ. Còn ông Tổng thư ký Học viện al-Khoei, đã đào sâu đề tài “những khía cạnh chung nơi các giá trị luân lý đạo đức và trong sự tôn trọng nhau giữa các tôn giáo”.

Về phần Đức Hồng y Sako, trong bài tham luận, ngài nhắc nhớ rằng: “Chiều kích nhân bản và tinh thần của tình huynh đệ được hướng tới sự sống chung hòa bình với nhau, xa tránh sự thù nghịch, bạo lực và sợ hãi. Thiên Chúa phán xét dựa theo tình thương chứ không theo các tôn giáo, vì tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa và là anh chị em với nhau, theo quy luật của tình huynh đệ đại đồng.”

Đức Hồng y Sako nhắc đến lời chào mừng của Ayatollah al-Sistani trong diễn văn đón tiếp Đức Giáo hoàng Phanxicô cách đây hai năm ở Irak, rằng: “Chúng tôi là thành phần của quý vị, và quý vị là thành phần của chúng tôi”. Câu này thực là một Fatwa, một giáo pháp, phải được tôn trọng”.

Đức Hồng y Giáo chủ Công giáo Canđê ở Irak cũng nhấn mạnh rằng: “Cần xét lại và cải tổ một số ý niệm và luật lệ cũ, để loại bỏ những giải thích cực đoan và gây hại. Ví dụ, những tội ác chống lại nhân loại của tổ chức khủng bố al-Qaeda và nhà nước Hồi giáo ISIS, như kết quả của những lời cáo buộc những người không thuộc Hồi giáo về tội phạm thượng và đa thần. Đây là tội trọng, theo đó Thiên Chúa sẽ xét xử họ, cũng như sự cưỡng bách các trẻ vị thành niên Kitô phải theo Hồi giáo, khi một trong cha mẹ các em là người Hồi giáo”.

(Asia News 10-3-2023)

Add new comment

7 + 4 =