Radio Veritas Asia Buick St., Fairview Park, Quezon City, Metro Manila. 1106 Philippines | + 632 9390011-15 | +6329390011-15
Tổ chức trợ giúp các Giáo hội đau khổ tố giác bách hại Kitô
Chủ tịch điều hành tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, ông Thomas Heine-Geldern, tuyên bố rằng Kitô giáo là tôn giáo bị bách hại nhiều nhất trên thế giới: hơn 250 triệu Kitô hữu sống tại những quốc gia có bách hại và kỳ thị, nơi mà họ bị coi như những “công dân hạng nhì”.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Ông Heine-Geldern, một luật gia người Áo, tuyên bố như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo Công giáo Áo “Der Sonntag” (Chúa nhật) ở Vienne, và Đài phát thanh “Nhà thờ chính tòa thánh Stephano” (Radio klassik Stephanscom). Ông nói: “Tại nhiều nước, các tôn giáo thiểu số rất thường bị áp bức và “Kitô hữu tại nhiều nước ở trong tình trạng như thế”. Cả sứ điệp của Chúa Kitô, nhiều khi cũng bị người ta coi là “một điều gây phiền toái”.
Vì thế, ông Heine-Geldern cho biết nhiệm vụ của Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, là tố giác những vi phạm tự do tôn giáo, không phải để đào sâu các hố chia cách và oán thù, xung đột, nhưng mang lại một tiếng nói cho các tín hữu bị áp bức.
Cứ hai năm một lần, tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” công bố một phúc trình về tự do tôn giáo trên thế giới, trong đó có thông tin về tình trạng các Kitô hữu và cả các nhóm tôn giáo khác bị bách hại. “Vấn đề ở đây là quyền tự do tôn giáo, không phải chỉ nâng đỡ các Kitô hữu mà thôi, nhưng cả các tín đồ Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, nếu họ bị bách hại hoặc kỳ thị tại một quốc gia”.
Phúc trình của tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” dài khoảng 800 trang, dựa trên các cuộc nói chuyện với các nhà chính trị hoặc các vị mang trách nhiệm quyết định. Qua các cuộc nói chuyện ấy, tổ chức bác ái Công giáo quốc tế này yêu cầu làm sao để “Tự do tôn giáo, tự do hành động, hoặc không hành đạo, như một nhân quyền căn bản cần phải được bảo vệ”.
Quốc gia đang được tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” đặc biệt quan tâm là Pakistan, nơi các Kitô chiếm khoảng 2% dân số, khoảng vài triệu người, bị kỳ thị nặng nề: cả trong thời đại dịch hiện nay, họ bị loại khỏi sự giúp đỡ của nhà nước. Tổ chức bác ái này tìm cách nâng đỡ các gia đình Công giáo ở Pakistan; sự sống còn của họ đang bị đe dọa vì đại dịch.
Tình trạng tại các nước khác cũng được tổ chức bác ái này đặc biệt quan tâm, như Iran, Burkina Faso, Mali, Niger và Nigeria bên Phi châu.
(KAP 15-7-2020)
Add new comment